EUDR là gì?

Ngày 23/06/2023, Liên minh châu Âu đã thông qua Quy định 2023/111 về sản xuất hàng hóa không gây mất rừng (viết tắt là EUDR) nhằm đối phó với tình trạng rừng đang bị tàn phá và suy thoái do hoạt động sản xuất hàng hóa nông nghiệp. Các nhóm sản phẩm chịu tác động của quy định này là: đậu nành, thịt bò, dầu cọ, gỗ, ca cao, cà phê và cao su. Quy định này thể hiện cam kết của Liên minh Châu Âu (EU) trong việc bảo vệ rừng, đóng góp trực tiếp cho việc thực hiện mục tiêu khí hậu thông qua giảm phát thải khí nhà kính do mất rừng và suy thoái rừng, bảo vệ đa dạng sinh học.

Theo quy định này, các nguyên liệu và các sản phẩm nêu trên được sản xuất và cung cấp trong toàn bộ chuỗi sản xuất nếu gây mất rừng và suy thoái rừng kể từ ngày 01/01/2021 sẽ không được tiêu thụ tại thị trường EU. Quy định này cũng áp dụng với các nguyên liệu và sản phẩm nêu trên của các doanh nghiệp tại EU xuất ra khỏi thị trường này.

 

EUDR có hiệu lực thi hành từ ngày 29/06/2023, áp dụng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhập khẩu các sản phẩm trên vào EU từ ngày 30/12/2024 và chậm hơn 6 tháng đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ.

 

Các yêu cầu chính của EUDR

Các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu các nguyên liệu và sản phẩm thuộc phạm vi của EUDR cần đáp ứng ba (3) yêu cầu sau:

  • Không gây mất rừng: Việc sản xuất và cung ứng các sản phẩm quy định không gây mất rừng và suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2020. Thông tin địa lý về vùng khai thác và bản đồ rừng tham chiếu sẽ được sử dụng để chứng minh yêu cầu này.
  • Tuân thủ pháp luật của nước sản xuất: Các quy định pháp luật của nước sản xuất khi sản xuất, cung ứng các sản phẩm này phải được tuân thủ. Các quy định này bao gồm: (1) Quyền sử dụng đất; (2) Bảo vệ môi trường; (3) Các quy định liên quan đến rừng, bao gồm quản lý rừng và bảo tồn đa dạng sinh học đối với các khu vực có khai thác gỗ; (4) Quyền của các bên thứ ba; (5) Các quyền về lao động; (6) Các quyền con người được bảo vệ theo pháp luật quốc tế; (7) Đồng thuận dựa trên nguyên tắc tự nguyện, báo trước và được cung cấp thông tin (FPIC), bao gồm như được quy định trong Tuyên bố Liên Hợp Quốc về quyền của người địa phương; (8) Các quy định về thuế, chống tham nhũng, thương mại và hải quan.
  • Thực hiện trách nhiệm giải trình: Các cá nhân, tổ chức cung ứng và thương mại các sản phẩm quy định tại EU phải xây dựng Hệ thống trách nhiệm giải trình (DDS) để cung cấp các thông tin liên quan đến các yêu cầu của EUDR.

Thích ứng EUDR thông qua VFCS/PEFC

Hệ thống Chứng chỉ rừng quốc gia (VFCS) và Hệ thống Chứng chỉ rừng quốc tế PEFC đặt ra mục tiêu chứng chỉ rừng nhằm đảm bảo nguyên liệu, sản phẩm được sản xuất là: (1) Hợp pháp; (2) Bền vững; và (3) Toàn vẹn môi trường.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu của EUDR, ngày 20/7/2024, PEFC đã ban hành tiêu chuẩn mô-đun PEFC ST 2002-1:2024 Yêu cầu thực hiện Hệ thống trách nhiệm giải trình của PEFC đối với quy định sản xuất hàng hóa không gây mất rừng (PEFC EUDR DDS). Tiêu chuẩn mô-đun PEFC EUDR DDS là một tùy chọn mà các tổ chức đã có chứng nhận hoặc đang xây dựng hồ sơ cấp chứng nhận PEFC CoC có thể bổ sung vào phạm vi chứng nhận hiện tại để hỗ trợ việc chứng minh tuân thủ EUDR. Tiêu chuẩn này bao gồm các yêu cầu cụ thể để đảm bảo rằng bất kỳ nguyên liệu gỗ nào được đưa vào hệ thống PEFC đều phải qua Hệ thống trách nhiệm giải trình (Due Diligence System – DDS) theo quy định của EUDR và không có nguy cơ đến từ các nguồn gốc gây tranh cãi hoặc không tuân thủ. Để thực hiện, tổ chức cần xây dựng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu EUDR và thực hiện hệ thống trách nhiệm giải trình theo 5 bước chính sau đây:

  • Bước 1: Thu thập thông tin, gồm: Số tham chiếu; Thông tin mô tả; Quốc gia sản xuất; Tọa độ địa lý của tất cả các lô đất nơi sản xuất; Thời gian khai thác, sản xuất; Thông tin về nhà cung cấp (tên, địa chỉ, giấy phép, chứng nhận); Kết luận sản phẩm liên quan không gây phá rừng; Thông tin có thể kiểm chứng sản phẩm đã được sản xuất tuân thủ pháp luật của quốc gia sở tại.
  • Bước 2: Đánh giá rủi ro: Tổ chức đánh giá rủi ro cho sản phẩm liên quan, xác định nguy cơ từ nguồn gốc gây tranh cãi hoặc không tuân thủ. Đánh giá phải phân loại sản phẩm không rủi ro hoặc rủi ro không đáng kể, xem xét các yếu tố như hoạt động gây mất rừng và tính hợp pháp.
  • Bước 3: Xác định các mối quan ngại có căn cứ: Tổ chức điều tra các thông tin liên quan đến rủi ro vi phạm EUDR. Nếu phát hiện mối quan ngại, phải báo cáo ngay cho cơ quan có thẩm quyền và xử lý trong vòng 10 ngày làm việc.
  • Bước 4: Giảm thiểu rủi ro: Nếu có rủi ro, tổ chức cần yêu cầu nhà cung cấp chứng minh tính hợp pháp và thực hiện kiểm tra tại chỗ. Các biện pháp khắc phục có thể bao gồm đình chỉ hợp đồng cho đến khi rủi ro được giải quyết.
  • Bước 5: Đệ trình và phê duyệt tuyên bố trách nhiệm giải trình: Tổ chức phải nộp tuyên bố trách nhiệm giải trình cho cơ quan có thẩm quyền trước khi đưa sản phẩm vào hoặc xuất khẩu khỏi thị trường EU. Tuyên bố phải được giữ ít nhất 5 năm và công khai báo cáo hàng năm về tuân thủ EUDR.

Chi tiết tiêu chuẩn mô-đun PEFC ST 2002-1:2024 tại đây.

Chi tiết về EUDR theo PEFC tại đây.

PHP Code Snippets Powered By : XYZScripts.com
X