Ngày 30/9/2022, tại Thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang, Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư chế biến gỗ và lâm sản vào các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc. Tham dự hội nghị có hơn 100 đại biểu đến từ Tổng cục Lâm nghiệp, Vụ Kế hoạch (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn); Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn các tỉnh miền núi Phía Bắc (Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hòa Bình, Lạng Sơn, Quảng Ninh,…), Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững, Viện nghiên cứu Lâm sinh (thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam), Hội chủ rừng Việt Nam, Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam và các doanh nghiệp chế biến gỗ: Woodlands, Hào Hưng, NAFOCO,… và các bên liên quan khác. Ông Bùi Chính Nghĩa – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp và bà Mai Thị Hoàn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tuyên Quang đồng chủ trì Hội nghị.
Hội nghị đã nghe các bài trình bày về: Báo cáo tình hình phát triển chế biến gỗ và lâm sản tại các tỉnh miền núi phía Bắc; Báo cáo về cơ hội, tiềm năng phát triển chế biến gỗ tại khu vực vùng núi phía Bắc; Báo cáo định hướng thu hút đầu tư phát triển rừng trồng sản xuất gắn với chế biến gỗ của tỉnh Tuyên Quang; Báo cáo tình hình chế biến hơp tác, liên kết trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ quản lý rừng bền vững và chế biến gỗ xuất khẩu của Công ty Cổ phần Woodsland Tuyên Quang; Báo cáo định hướng thu hút đầu tư phát triển rừng trồng sản xuất gắn với chế biến gỗ của tỉnh Quảng Ninh. Trong đó nhiều vấn đề nổi bật cần được quan tâm tháo gỡ như sự mất cân đối giữa vùng nguyên liệu (chủ yếu tập trung ở vùng miền núi phía Bắc) nhưng lại có rất ít các doanh nghiệp chế biến gỗ ở vùng này cũng như thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng để đảm bảo nguồn nguyên liệu bền vững cho chế biến và xuất khẩu sản phẩm gỗ.
Tại hội nghị, ông Vũ Tấn Phương – Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững đã có bài trình bày giới thiệu về Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia (VFCS). Sự ra đời của Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia xuất phát từ thực tiễn đòi hỏi của ngành lâm nghiệp Việt Nam, phù hợp với xu thế chung của thế giới, cung cấp thêm nhiều cơ hội lựa chọn cho các chủ rừng, doanh nghiệp chế biến gỗ và góp phần thúc đẩy mối liên kết, đầu tư giữa ngành công nghiệp chế biến gỗ và chủ rừng.