Ngày 9 tháng 6 năm 2022, Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững (VFCO) tham gia Hội nghị “Triển khai chính sách, xúc tiến đầu tư phát triển lâm nghiệp bền vững và sơ kết 10 năm thực hiện Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tỉnh Thanh Hóa”. Hội nghị do Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) tổ chức tại thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Hội nghị có sự tham gia của hơn 200 đại biểu, gồm lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa, lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp, các cục, vụ thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT; Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, Ban quản lý dự án lâm nghiệp, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, các tập đoàn, tổ chức chứng nhận BV, quỹ bảo vệ và phát triển rừng các tỉnh; các tổ chức nghiên cứu; các tổ chức phi chính phủ quốc tế, các chuyên gia và cơ quan báo chí.
Hội nghị đã đề cập đến các vấn đề lớn của ngành, bao gồm các chính sách khuyến kích đầu tư, thực hiện hiệp định VPA/FLEGT và phát triển dịch vụ các bon rừng, thực hiện chứng chỉ rừng thông qua hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia (VFCS), ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống và kỹ thuật lâm sinh cho tăng năng suất, chất lượng và quản lý bền vững rừng trồng sản xuất, phát triển ngành chế biến gỗ, các nguồn tài chính tiềm năng đầu tư phát triển lâm nghiệp bền vững.
Cũng tại Hội nghị, VFCO đã giới thiệu về Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia (VFCS) và trao đổi với các bên liên quan, đặc biệt là các doanh nghiệp, các chủ rừng, các cơ quan quản lý để thúc đẩy thực hiện quản lý rừng bền vững. Chứng chỉ rừng theo VFCS/PEFC là xu thế khách quan, tất yếu nhằm đảm bảo rừng được quản lý bền vững, trong đó quan trọng nhất là nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp đáp ứng các yêu cầu về chính sách của quốc gia và các yêu cầu của thị trường trên các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường. Sự quan tâm của các đại biểu tại Hội nghị cho thấy nhận thức về phát triển rừng bền vững đã có sự thay đổi đáng kể và đang nhận được sự quan tâm của các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp trong và ngoài nước và các bên liên quan. Các đại biểu cũng nhấn mạnh sự quan tâm trong phát triển dịch vụ môi trường rừng, nhất là dịch vụ giảm phát thải khí nhà kính và hấp thụ các bon rừng.
Là cơ quan thực hiện VFCS, VFCO đang nỗ lực xây dựng các tiêu chuẩn và hướng dẫn về đánh giá, chứng nhận dịch vụ giảm phát thải và hấp thụ các bon rừng, các dịch vụ hệ sinh thái khác. Đây là cơ sở quan trọng để tạo ra các khuyến kích tài chính nhằm thúc đẩy và đảm bảo rừng được quản lý bền vững, đóng góp quan trọng trong thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và sự phát triển bền vững của các địa phương và quốc gia.